Ươm mầm, đào hố, trồng cây, bón phân, tưới nước, cắt tỉa… Ngày này qua tháng nọ họ lặng lẽ làm việc bên những bồn hoa, thảm cỏ, con đường. Tỉ mẩn, nâng niu chăm chút cho từng nụ hoa, cành lá, cọng cỏ không khác gì một nghệ sĩ để phố khoác lên mình những gam màu tươi sáng và rực rỡ, làm đẹp cho đời.
Chỉ thoáng nhìn, nhiều người nghĩ đó là thứ việc nhẹ nhàng, giản đơn của những công nhân Công ty cổ phần Công viên, Cây xanh và Chiếu sáng đô thị (CVCX-CSĐT) Quy Nhơn. Nhưng, có đứng lại thật lâu, có lắng nghe mới cảm nhận được công việc của những người chăm sóc cỏ, cây, hoa lá ấy.
Trồng cây theo “ISO”
Trồng cây, nhổ cỏ, tưới nước mà cũng phải theo ISO 9001:2008. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Nguyễn Ngọc Nhàn, Tổ trưởng Tổ Công viên An Dương Vương 1, Đội Công viên cây xanh 4 quyết định cho theo tổ. 6 giờ sáng, 15 công nhân của tổ tập trung ở Công viên An Dương Vương 1 nhanh chóng nhận nhiệm vụ. Các chị dọn vệ sinh, nhổ cỏ, giâm cành hoa giấy và bứng cây mắt ngọc đem xuống phủ màu cho Công viên Thiếu nhi cách đó không xa. Các anh được “ưu tiên” món luân chuyển, thay chậu hoa, cắt tỉa cho mấy chú rồng cây vừa được tượng hình chưa lâu. Nhanh nhẹn, thẳng đều, răm rắp theo một quy trình.
“Mỗi một công đoạn đều phải theo một “chuẩn”. Nói đơn giản, ngay như cây xanh để trồng trên vỉa hè đường phố, theo ISO thì yêu cầu phải có tán lá xanh, xum xuê, không sâu bệnh, dáng thẳng, đủ kích thước chiều cao từ 2,5m trở lên, đường kính tán 0,7-1m. Trồng cây thì so le nhau theo hình nanh sấu, cách biên, tuốt bầu cây ra nhưng phải tránh làm đứt rễ…” – anh Nhàn dẫn giải.
Theo kỹ sư Châu Thị Hảo, Phó Giám đốc Công ty cổ phần CVCX – CSĐT Quy Nhơn, từ cây giống đến khi ra tới hiện trường là cả quá trình. Để tham gia quá trình đó, công nhân không cần trình độ quá chuyên sâu, nhưng mọi công việc đều phải răm rắp quy trình kỹ thuật áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2008.
Chị Hảo tâm sự: “Mọi người chỉ tưởng trồng cây là việc nhẹ nhàng, nhưng thật ra cũng vất vả, nguy hiểm lắm. Đào hố trồng cây là việc nặng nhọc, phải là thợ bậc 3 mới làm được. Đào chỉ cần “sểnh” tay nặng một chút là vướng ống nước, hay mé cành cây cao mà vướng dây điện thì đền “sặc gạch” chứ chẳng chơi. Một năm cắt tỉa cả trăm ngàn cây, như năm ngoái chỉ tiêu chỉ cắt tỉa 7.500 lượt cây xanh đường phố, mà cuối cùng cắt đến hơn 9.000 lượt cây cổ thụ, cây to che khuất tầm nhìn, và trước mỗi mùa mưa bão. Hằng ngày, công nhân phải đi chụp hình, sau đó đưa về cho lãnh đạo công ty duyệt cho cắt tỉa; xong công việc lại chụp hình để về báo cáo nghiệm thu đàng hoàng”.
Đâu chỉ là cây!
Công ty cổ phần CVCX-CSĐT Quy Nhơn có khoảng 500 cán bộ, nhân viên, thì riêng công nhân hiện trường đã chiếm hết 400, chia thành 5 đội và 1 tổ. Địa bàn quản lý của Công ty từ chỗ chỉ đến cầu Ông Đô (huyện Tuy Phước), giờ đã mở ra đến thị xã An Nhơn.
Công việc mỗi ngày “phình” ra, nhưng nhân lực thì không thể “nở” hơn được nữa. Mỗi ngày, những người thợ “làm đẹp phố phường” phải chăm sóc cây, cỏ, hoa, lá trên diện tích 62,7ha; vệ sinh các công viên rộng đến 347 ngàn m2, tưới tắm cho 299m2 diện tích cỏ, hoa, cây hàng rào và tỉa cành, bắt bệnh, bảo quản cho hơn 27.000 cây xanh đường phố… chưa kể những công trình phát sinh.
“Nhiều cán bộ kỹ thuật có hẳn trình độ đại học, chưa kể nhiều người có trình độ đại học các ngành khác không có việc làm cũng xin vào làm công nhân. Chúng tôi tổ chức thi nâng bậc thợ gắt gao lắm, chứ đâu phải cứ tằng tằng mà đến tháng đến ngày lên lương đâu. Mỗi đợt thi có đến 5 giám khảo coi thi, năm vừa rồi rớt đến 40%”.
Kỹ sư CHÂU THỊ HẢO, Phó Giám đốc Công ty cổ phần CVCX-CSÐT Quy Nhơn |
“Thành phố đang có chủ trương quy hoạch mỗi tuyến phố chỉ trồng một loại cây, chọn cây thân thẳng, có lá xanh quanh năm, hoặc chọn cây vừa có bóng mát, vừa có hoa theo mùa, tạo cảnh sắc cho đường phố. Trong đó, “thử nghiệm” trước trên hai tuyến đường chính, công nhân đã tập trung trồng và luân chuyển được 436 cây xanh, trong đó 348 cây lim xẹt trên đường Trần Hưng Đạo và 88 cây me trên đường Nguyễn Huệ. Bây giờ thì đang chăm cho hàng trăm ngàn cây hoa các loại như hoa xác pháo, sao nháy, vạn thọ, dừa cạn, mai địa thảo, mào gà… để trang hoàng đường phố cho lễ 30.4 và 1.5” – chị Hảo cho biết.
Trong các công việc của công nhân cây xanh, công đoạn ở vườn ươm đòi hỏi sự tỉ mỉ nhất. Người ươm cây phải chăm chút từ khâu chuẩn bị đất, xơ dừa để làm đất, làm luống hoa, phân bón lót. Khi cây lên 3 – 4cm, có 2 hoặc 4 lá mầm thì cấy vô bì. Đội trưởng đội vườn ươm Lê Văn Tiến bảo: “Chỉ mỗi chuyện tưới nước cũng đâu có đơn giản. Phải biết “tính” của từng loại cây, chứ đâu phải cứ cầm ống, cầm vòi lên là muốn tưới thế nào cũng được”. Đội vườn ươm hiện có một kỹ sư trình độ đại học, đội trưởng cũng đã tốt nghiệp trung cấp ngành nông – lâm – nghiệp.
Xong giai đoạn ươm, đến lúc đưa cây ra “hiện trường” cũng lắm khổ sở. Sáng 28.3, tôi theo chị Bùi Thị Kim Phượng (Tổ Công viên An Dương Vương 1, Đội công viên cây xanh 4) nhổ cây mắt ngọc để phủ màu cho Công viên Thiếu nhi đang hồi cải tạo. Chị khéo léo đưa tay nhổ thật nhẹ, nâng niu từng cây để giữ lại từng chiếc rễ. “Sau khi đặt cây xuống đất mới tưới nước. Mỗi ngày phải tưới nước đến 4 lần vào đầu giờ sáng, trưa, đầu giờ chiều và cuối ngày. Đến khổ với “mấy ông” này lắm. Phải tưới bằng tay, nhẹ nhàng như phun sương. Cắt cành để giâm cây thì chọn những anh “thanh niên”, chứ mấy anh “già già” một chút cắm xuống hôm trước thì hôm sau đã không chịu nổi, chết liền”, chị Phượng hóm hỉnh nói.
Công việc lắt nhắt, tỉ mẩn là thế, nhưng những người gieo mầm, chăm cây lại không thấy chán. Không những thế, nhiều công nhân còn tâm huyết, cứ mày mò làm, mày mò nghĩ sao cho cây ra hoa đẹp hơn, công viên đường phố thêm sắc màu.
Như anh Nhàn – tác giả của sáng kiến “bắt” hoa giấy nở đúng ngày. “Với hoa giấy trồng dưới đất, trồng được một năm thân đã khỏe. Trước thời gian cần nở hoa 45 – 60 ngày nên hạn chế tưới nước, xắn bớt rễ và lặt lá, đồng thời bón một lượng phân thích hợp. Lúc này cây trở nên khô cằn, khi cây bắt đầu nứt lá non cũng là lúc nở hoa. Khi cây ra hoa hàng loạt thì tăng cường tưới nước và bón phân để kéo dài thêm thời gian nở hoa”, anh Nhàn chia sẻ quá trình “nắn” hoa giấy theo ý mình.
Nói nghe thì rất đơn giản, nhưng sáng kiến này đã ra đời sau 15 năm anh gắn bó với Công ty, cùng “thâm niên” 10 năm trồng hoa ở gia đình. Anh Nhàn bảo, cũng chơi cấy, cắt tỉa, uốn éo đủ thứ hình thù, nhưng thích nhất vẫn là trồng hoa vì ngắm hoa đem lại cho anh và những người xung quanh sức sống và niềm vui. Và, sáng kiến độc đáo của anh Nhàn chính là cơ sở quan trọng để anh Lê Văn Tiến nghiên cứu, “trình làng” thành công quy trình ghép hoa giấy nhiều màu. Nghe những người công nhân ấy nói về chuyện trồng cây, có cảm giác các anh chẳng khác gì những nghệ nhân cây cảnh. Anh Nhàn còn đùa rằng, nếu được, anh sẽ biến Quy Nhơn thành thành phố… hoa giấy!
Duyên nợ với cây
20 năm trong nghề, chị Nguyễn Thị Tâm, Đội phó Đội công viên cây xanh 4, được coi như một “nữ tướng”, kể cả những việc tưởng chỉ dành cho cánh đàn ông như mé cây, đào hố trồng cây chị cũng làm được hết. Chị bảo, cả đội có hơn 70 người thì phe tóc ngắn chỉ có 27 người, chuyện phụ nữ làm công việc nặng nhọc cũng rất bình thường. Đội phụ trách khu vực Công viên Thiếu nhi Quy Nhơn – địa bàn rất phức tạp. Đến giờ trên khuôn mặt phúc hậu và rám nắng của người phụ nữ mạnh mẽ ấy vẫn hằn vết khâu trên trán và phần trên môi. Chị cười bảo, đó là năm ngoái, bị những người bán hàng rong ở trước công viên đánh phải nhập viện, chỉ vì… nhắc nhở họ không được vứt rác bừa bãi, giẫm đạp cỏ hoa.
Chưa hết, vừa rồi, trong lúc bứng cây ở quảng trường mới để chuyển đi, chị Tâm còn bị tai nạn. Nằm viện mất mấy ngày mà di chứng thoát vị đĩa đệm vẫn không khỏi. Là khách hàng ruột của bệnh viện nên sau đận đó, bác sĩ đe chị “từ giờ xà beng, cuốc, chỉa không được cầm nữa”. Nhưng chỉ được vài ngày, chị lại ra hiện trường, thấy anh em cầm xà beng bứng cây cổ thụ cứ “ngược ngược”, vậy là xông vào để làm.
Lặng thầm, tỉ mẩn, ngày nắng cũng như mưa, những người công nhân ấy vẫn chăm chỉ như cô ong, chú kiến. Cô Lê Thị Hải Ninh, công nhân Đội công viên cây xanh 2, làm công việc chăm sóc cây hoa ở Công viên quảng trường Chiến Thắng bảo, những người như mình đã thuộc từng gốc cây, bụi cỏ ở đây. Niềm vui mỗi ngày của họ là nhìn thấy cây xanh lá, thắm hoa. Và thoáng buồn khi ngày ngày quét dọn rác rến khách vứt ở công viên, có khi dọn vệ sinh còn trúng cả “bãi mìn”. “Dù lúc buồn lúc vui, nhưng chỉ cần nghỉ ở nhà vài ngày là thấy bứt rứt tay chân, lại thấy nhớ những cỏ, cây, hoa lá của mình”, cô Ninh thật thà chia sẻ.
Ði – về Quy Nhơn nhiều bận để làm việc, tiến sĩ Trần Du Lịch (một người con của Bình Ðịnh, hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) bảo Quy Nhơn chưa phải là thành phố của hoa và cây, nhưng những nét chấm phá ấy đã tô thêm nét duyên cho thành phố bên bờ biển xanh. Những mảng màu xanh ấy nên gìn giữ, bởi ông bảo ông thích cái cách làm của người dân của đảo quốc Singapore đã tạo ra dấu ấn khác biệt với “thành phố trong công viên”, rất nhiều cây mọc lên giữa đô thị.
( Theo baobinhdinh.com.vn )